Hậu Giang: Phấn đấu đưa diện tích nuôi cá tra lên 1000 ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xây dựng quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2015, với tổng diện tích là 700 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nhằm đưa tổng sản lượng cá tra của Hậu Giang đạt gần 150.000 tấn..

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xây dựng quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2015, với tổng diện tích là 700 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nhằm đưa tổng sản lượng cá tra của Hậu Giang đạt gần 150.000 tấn.

Với Quy hoạch này, tỉnh Hậu Giang hy vọng sẽ tạo động lực cho nghề nuôi cá da trơn phát triển một cách toàn diện. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch phát triển ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và tập trung, tạo sự gắn kết giữa các thành phần kinh tế theo mối liên kết “4 nhà”.

Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, với tổng công suất 40.000 tấn cá/năm. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2 hợp tác xã tham gia liên kết trong sản xuất, diện tích vùng nuôi được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh, hiện tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản là 2.098 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ cho vay, trong đó chủ yếu cho vay nuôi cá tra, với dư nợ 1.025 tỉ đồng. Tổng số khách hàng vay vốn là 884 khách hàng, bao gồm 25 doanh nghiệp và 859 hộ gia đình, trong đó nợ xấu là 147 tỉ đồng, chiếm 7% dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản.

Những năm qua, sau những thuận lợi và thành công trong nghề nuôi cá tra, các hộ nuôi loại thủy sản này ở Hậu Giang đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như nguồn vốn, nguồn thức ăn, nguồn giống và thị trường tiêu thụ để tồn tại cũng như phát triển nghề nuôi cá tra.

Mặc dù phong trào nuôi cá tra ở Hậu Giang trong thời gian qua phát triển nhanh nhưng còn thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi người dân nuôi thâm canh nên đã phải đầu tư nguồn vốn lớn, lãi suất tín dụng cao đã làm cho giá thành tăng. Giá cá tra thương phẩm lên xuống thất thường, tiêu thụ khó khăn, đôi khi đã làm cho người nuôi thua lỗ, dẫn đến phải tạm dừng việc nuôi, điều này cũng đã khiến các nhà máy chế biến cá tra trên địa bàn thiếu nguồn nguyên liệu phải ngừng hoạt động.

Một số cơ sở nuôi cá tra chưa chấp hành tốt các quy định xử lý môi trường ao nuôi và thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho cá, do vậy đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cá nguyên liệu. Thực tế trong thời gian qua, không ít hộ nuôi cá tra ở Hậu Giang lâm vào khó khăn, do giá thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh liên tục tăng cao. Trong khi chất lượng con giống chưa đảm bảo, giá cá nguyên liệu bán ra dưới giá thành, thị trường xuất khẩu thu hẹp và đòi hỏi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Trong đó, khoản nợ vay ngân hàng đã khiến nhiều hộ nuôi cá tra rơi vào tình trạng phá sản.

Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Hậu Giang đang tập trung khắc phục những diện tích thả nuôi manh mún, nhỏ lẻ, cùng với đó là liên kết sản xuất thông qua xây dựng hợp tác xã nuôi cá tra, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, gắn kết với quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP để bảo vệ môi trường, tạo ra vùng nguyên liệu có chất lượng đồng nhất, đảm bảo cung ứng thị trường xuất khẩu lâu dài cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ đó, giúp cho nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp có cơ hội nhìn nhận, hoạch định lại cơ chế chính sách đối với nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra ngày càng phù hợp hơn trong tình hình hiện nay và thời gian tới.

Theo CPV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *